Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Nghề Nghiệp Trong Công Nghệ Phần Mềm



Theo những nghiên cứu mới đây, Kỹ sư Công nghệ Phần mềm là một trong những nghề được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh nhất trong giai đoạn 2005-2025 với nhiều cơ hội cho những ứng viên có bằng Cử nhân Công nghệ Phần mềm, Quản trị Công nghệ Thông tin, và Khoa học Máy tính. Những sinh viên muốn theo đuổi nghề làm phần mềm phải có năng lực phân tích và giải quyết vấn đề tốt. Họ cũng phải có khả năng giao tiếp hiệu quả với các thành viên trong nhóm (làm phần mềm) cũng như với khách hàng. Do sẽ thường xuyên phải đối mặt với các công tác kỹ thuật cụ thể có liên quan đến công việc kinh doanh, họ sẽ phải quan tâm đến việc phát triển thêm các kỹ năng có liên quan đến ngành họ muốn làm việc cho. Ví dụ, nếu sinh viên muốn làm cho ngân hàng, họ sẽ cần có kiến thức về tài chính để có thể hiểu được những nhu cầu tin học của nhà băng. Hay nếu sinh viên muốn làm việc cho một công ty mạng máy tính, họ sẽ cần có kiến thức về Internet, các ứng dụng web và bảo mật mạng.
 
 
Dù cho Trung Quốc và Ấn Độ đào tạo ra rất nhiều kỹ sư Công nghệ Thông tin hàng năm, thế giới vẫn cần đến 2 đến 5 triệu Kỹ sư Công nghệ Phần mềm có tay nghề cao trong giai đoạn từ 2010 đến 2015.

Hầu hết các công ty thích (tuyển) những người xin việc có ít nhất một bằng Cử nhân cùng với kiến thức rộng về các hệ thống và kỹ thuật máy tính. Chuyên ngành điển hình cho nhân công làm phần mềm là Khoa học Máy tính nhưng trong những năm gần đây, Công nghệ Phần mềm và Quản trị Hệ thống Thông tin trở nên được ưa chuộng hơn vì người ta ngày càng chú trọng nhiều hơn về quy trình phần mềm, bảo mật máy tính, quản trị dự án; đặc biệt là trong những công ty tư vấn và làm phần mềm lớn. Những sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm trong ngành phần mềm có thể nâng cao cơ hội tìm việc bằng cách tham gia thực tập tại các công ty phần mềm. Những trãi nghiệm như vậy sẽ cho sinh viên nhiều kinh nghiệm và kiến thức hơn, thu hút nhiều chủ doanh nghiệp tìm tuyển họ. Ở Mỹ, hơn 80% sinh viên tham gia đi thực tập trong các tháng hè so với 42% ở Âu châu và 22% ở Á châu. Khả năng có thể làm việc ngay cả trước khi tốt nghiệp (và không cần đào tạo lại) của sinh viên Mỹ do đó cho họ nhiều lợi thế hơn khi kiếm việc ở các công ty phần mềm quốc tế.

Vì công nghệ luôn thay đổi nên các công ty luôn cần nhân công có các kỹ năng tiên tiến nhất, và do đó nhân công làm phần mềm phải cố gắng không ngừng học hỏi những kỹ năng mới nếu họ muốn tồn tại được trong ngành nghề năng động này. Để có thể bắt kịp với các kỹ thuật luôn thay đổi, nhân công làm phần mềm cần học thêm các chứng chỉ giáo dục thường xuyên hay phát triển chuyên môn, được cấp bởi các trường đại học và các tổ chức huấn luyện về phần mềm. Giáo dục thường xuyên thật ra không phải là mới nhưng nó được đặc biệt khuyến khích ở Mỹ với hơn 75% nhân công làm phần mềm tận dụng các khoản ngân sách của công ty để đi học tiếp, trong khi ở Âu châu, tỷ lệ đó chỉ là 45% ở Đức và ở các nước Scandinavia, và là thấp hơn 30% ở Pháp, Tây Ban Nha, và Ý. Ở hầu hết các nước châu Á, trừ Nhật và Nam Hàn, việc học suốt đời vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ với rất ít nhân công chịu tiếp tục đi học để nâng cao kỹ năng của mình.

Trong nền kinh tế toàn cầu, nhiều công ty phải tiếp nhận và tích hợp những kỹ thuật mới để phát huy tối đa hiệu năng của hệ thống máy tính trong công ty, vì thế họ cần đến các Kỹ sư Công nghệ Phần mềm để tạo ra những thay đổi đó. Nhu cầu cho Kỹ sư Công nghệ Phần mềm, những người có thể làm việc được trong các công ty toàn cầu hay đi lại làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau đã tăng lên gấp mười lần so với vài năm trước đây. Theo nhiều nghiên cứu, hầu hết mọi quốc gia đều thiếu hụt nhân công làm phần mềm, và nhu cầu của cả thế giới ước tính vào khoảng 2 đến 5 triệu Kỹ sư Công nghệ Phần mềm từ 2010 cho đến 2015, dù cho Ấn Độ và Trung Quốc ‘sản xuất’ ra đến hơn 1 triệu Kỹ sư Công nghệ Phần mềm mỗi năm. Cơ hội thăng tiến của nhân công làm phần mềm chủ yếu tùy thuộc vào mức độ kinh nghiệm. Công việc cho những người mới vào nghề chủ yếu tập trung vào lập trình và kiểm thử, nhưng khi người làm có nhiều kinh nghiệm hơn, họ sẽ có thể tham gia vào việc thiết kế và xây dựng kiến trúc phần mềm. Sau cùng, họ có thể thăng tiến lên làm Trưởng Dự án, Trưởng Hệ thống Thông tin, hoặc Giám đốc Thông tin (CIO), nếu họ được huấn luyện hoặc có các kỹ năng về kinh doanh. Một số Kỹ sư Công nghệ Phần mềm với nhiều năm kinh nghiệm sẽ có cơ hội trở thành các Kỹ sư trưởng hoặc các cố vấn độc lập. Nhu cầu cho Kỹ sư Công nghệ Phần mềm sẽ tiếp tục gia tăng cùng với sự phát triển của hệ thống mạng (máy tính). (Đặc biệt,) Sự phát triển của các công nghệ Internet (gần đây) đã làm gia tăng nhu cầu cho các Kỹ sư Công nghệ Phần mềm có khả năng phát triển các ứng dụng Internet, mạng cục bộ, và World Wide Web. Tương tự, các hệ thống xử lý thông tin điện tử trong kinh doanh, viễn thông, chính phủ, và các môi trường khác cũng ngày càng trở nên phức tạp và cao cấp hơn. Việc triển khai, bảo mật, và cập nhật các hệ thống máy tính hay giải quyết vấn đề sẽ tạo ra nhiều nhu cầu hơn nữa cho các Kỹ sư Công nghệ Phần mềm trong mảng bảo mật thông tin. Những quan ngại về “an toàn thông tin mạng” (thực sự) đã khiến nhiều công ty tiếp tục đổ tiền ra để phát triển các phần mềm bảo vệ các hệ thống máy tính và các cơ sở vật chất điện tử khác của họ khỏi các tấn công (qua mạng). Sự phát triển của công nghệ này trong vòng 10 năm tới sẽ dẫn đến sự gia tăng nhu cầu cho các Kỹ sư Bảo mật Mạng để thiết kế và phát triển các phần mềm và hệ thống có thể chạy được những ứng dụng mới cũng như tích hợp chúng vào các hệ thống cũ.

Tương tự như các thay đổi khác được tạo ra bởi sự toàn cầu hóa, vấn đề gia công phần mềm qua các quốc gia có chi phí thấp hơn có thể sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nhiều công việc làm Công nghệ Thông tin ở các quốc gia phát triển. Nhiều công ty có thể tìm cách cắt giảm chi phí bằng cách chuyển việc qua các quốc gia bên ngoài với mức lương tiền thấp hơn và những nhân công được đào tạo (với bằng cấp) cao (hơn). Các nghề nghiệp trong Công nghệ Phần mềm sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn bởi việc gia công ra bên ngoài so với các nghề lập trình và kiểm thử, vì Công nghệ Phần mềm đòi hỏi sự sáng tạo và nhiều kiến thức cũng như kỹ năng cao về kinh doanh, khó có thế giao cho bên ngoài làm được. Hầu hết các Kỹ sư Công nghệ Phần mềm sẽ làm các việc như phân tích yêu cầu của người dùng, thiết kế, xây dựng kiến trúc, và bảo trì các phần mềm hay hệ thống cho công ty, và giải quyết các vấn đề phát sinh khác. Các Kỹ sư Công nghệ Phần mềm sẽ thường làm một phần việc trong một nhóm phát triển phần cứng, phần mềm, hay một hệ thống mới. (Hay) Một nhóm cốt lõi sẽ bao gồm các thành viên chuyên về công nghệ, tiếp thị, xí nghiệp, và thiết kế cùng làm việc với nhau cho đến khi sản phẩm được hoàn tất. Những Kỹ sư Công nghệ Phần mềm được các công ty tư vấn hay toàn cầu mướn sẽ phải bỏ thời gian đi lại nhiều nơi để gặp gỡ với khách hàng, hơn là chỉ ngồi lì trong công sở.

Mức lương cho Kỹ sư Công nghệ Phần mềm ở Mỹ trong giai đoạn 2008-2010 vào khoảng $60,000 đến $80,000 một năm tùy thuộc và chuyên môn và bằng cấp của họ. (Sinh viên từ các trường đại học hàng đầu của nước Mỹ thường có mức lương cao so với hơn sinh viên từ các trường cấp bang.) Bằng cấp cao hơn như Thạc sĩ hay kinh nghiệm lâu năm có thể đẩy mức lương lên thêm $10,000 nữa. Đối với các kỹ sư có thể đi lại nhiều, đặc biệt là đi nhiều nước trên thế giới, mức lương có thể lên đến $100,000 cho đến $150,000 một năm cho một người có bằng (Cử nhân) Công nghệ Phần mềm và 5 năm kinh nghiệm.

0 nhận xét: