Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Cơ Hội Việc Làm Trong Ngành Công Nghệ Thông Tin


Tuần trước, sinh viên trong lớp của tôi (Giáo sư Vũ) có biểu hiện mệt mỏi và lo lắng, vì thế, tôi hỏi họ có điều gì không thoải mái hay sao. Một sinh viên nói rằng: “Đó là vì tình hình kinh tế hiện nay, tất cả bọn em đều lo cho tương lai sau này vì bọn em sẽ tốt nghiệp sang năm mà (hiện tại) không có gì tốt cả.”

Tôi bảo với họ rằng: “Thầy có theo dõi thị trường lao động và thấy rằng dù có khủng hoảng tài chính, giá cả gia tăng, trong khi lượng mua bán thì lại giảm, nhưng việc tuyển người trong ngành phần mềm vẫn có những tín hiệu tốt. Điều các em sinh viên cần hiểu là các em phải có những kỹ năng mà thị trường đang cần đến. Ví dụ, có rất nhiều công việc cho những người làm phần mềm có kinh nghiệm xây dựng các ứng dụng không dây. Một nhu cầu lớn nữa là đối với những người có hiểu biết về các ứng dụng Hệ thống Thông tin như SAP hay PeopleSoft.”

Một sinh viên khác hỏi: “Nhưng làm thế nào chúng em có được những kỹ năng này, tại chúng chẳng được dạy trong trường học?”

Tôi trả lời các em sinh viên là: “Đúng là nhiều trường không có dạy những ứng dụng ‘Phần mềm Thương mại Có sẵn’ (Commercial Off The Shelf - COTS) nhưng tất cả các em đều đã học môn ‘Giới thiệu Hệ thống Thông tin Quản lý’ có nói về ERP (Enterprise Resource Planning), CRM (Customer Relations Management) và tất cả các em đều đã học nhiều lớp lập trình với các kỹ năng về Java và C++, (cũng như) các em đều biết Linux, Windows, Unix. Với những kỹ năng đó, các em đều có thể thiết kế và phát triển các ‘ứng dụng cho toàn doanh nghiệp’ như SAP, PeopleSoft.”

Tôi có thể thấy cả lớp đều thở phào. Nhiều sinh viên bắt đầu mỉm cười nói: “Chúng em không biết về điều đó, nhưng những môn đó đều học trong năm một và năm hai. Nên chúng em đã không nghĩ rằng những môn học đó là quan trọng.”

Tôi bảo với họ: “Vấn đề là ở chỗ đó; nhiều người trong số các em (ở đây) quên mất những gì đã học và cách áp dụng chúng vào nghề nghiệp sau này. Các em thử nghĩ cái gì là quan trọng khi đi làm trong ngành (phần mềm)? Nếu các em học hành không nghiêm túc và không nghĩ về việc sẽ sử dụng các kiến thức đã học ra sao (cho sau này) thì các em đã bỏ phí thời gian ở trường rồi. Kiến thức học được phải được dùng để xây dưng các kỹ năng. Có được các kỹ năng này, các em có thể làm được nhiều điều, đi được nhiều nơi, và làm được việc trong nhiều mảng chuyên môn. Ngày nay, có được các kỹ năng Công nghệ Thông tin là một yêu cầu trong nhiều nghề nghiệp, trong khi tất cả các em đều chuyên về ngành này cả. Nên về cơ bản, các em đã có lựa chọn đúng khi đã học đúng ngành và đúng lúc.”

Tôi tiếp tục nói: “Tháng trước, IBM có làm một điều tra với các sinh viên đại học. 80% trong số hơn 1,600 sinh viên được điều tra đã nói rằng họ biết họ sẽ bắt gặp những kỹ thuật mới cần phải học khi (bắt đầu) đi làm trong nghề. Hơn 50% sinh viên thì đang tìm cách cải thiện các kỹ năng kỹ thuật của họ trước khi tốt nghiệp. 75% những sinh viên ngành Quản trị, Tài chính, và Kế toán hiện đang học (thêm) những lớp về ‘Công nghệ Thông tin’ và xu thế này có lẽ sẽ tiếp tục phát triển trong vài năm đến. Phó Chủ tịch IBM, ông Mark Hanny tuyên bố: ‘Kết quả điều tra cho thấy ngày nay, hầu hết các sinh viên đều hiểu là họ cần có các kỹ năng kỹ thuật dù làm việc cho doanh nghiệp ở bất kỳ ngành nào. Sinh viên đang nhận ra rằng họ có thể tìm được những việc làm tốt nếu họ biết về Công nghệ Thông tin.’”

Cả lớp học tỏ ra thoải mái hơn nhiều. Một sinh viên nói (tiếp): “Nhưng chúng em chỉ chuyên hẳn về Công nghệ Thông tin. Thầy có nghĩ rằng chúng em cũng có cơ tìm được việc tốt không?”

Tôi trả lời với các sinh viên rằng theo một người bạn của tôi hiện là chủ một công ty phần mềm thì khủng hoảng (tài chính hiện nay) không có nhiều ảnh hưởng đến ngành phần mềm vì nhiều công ty vẫn đang tái thiết công việc kinh doanh của họ để giảm thiểu lãng phí, cắt giảm chi phí, và cải thiện hiệu suất nên hầu hết các công ty vẫn tiếp tục tuyển dụng những người làm phần mềm để tự động hóa các quy trình của họ. Một trong những kỹ năng mà anh bạn của tôi cần đến là về Cơ sở dữ liệu, Kho dữ liệu, và Khai mỏ Dữ liệu, mà anh vẫn gặp khá nhiều khó khăn để tuyển đủ người có trình độ cho 50 vị trí (đòi hỏi các kỹ năng) như vậy. Tôi tin rằng nhiều nghề nghiệp trong ngành Công nghệ Thông tin không bị ảnh hưởng bởi những khó khăn của nền kinh tế vì dù cho có gì xảy ra, các công ty toàn cầu vẫn phải hoạt động và vẫn cần làm những công việc như xây dựng kiến trúc phần mềm, thiết kế phần mềm, lập mạng máy tính và điều hành hệ thống, phân tích các yêu cầu phần mềm, quản trị cơ sở dữ liệu, kiểm thử phần mềm, và đảm bảo chất lượng. Tôi biết rằng nhiều công ty toàn cầu lớn không thể tuyển được những nhân công có các kỹ năng như vậy ở nước của họ, vì thế họ quảng cáo tuyển dụng những vị trí đó ở Trung Quốc, Ấn độ, và Đông Âu với hy vọng sẽ tuyển được những người có kỹ năng tốt. Có thể thấy là mọi công ty đều đang cố gắng cải thiện cách thức kinh doanh của họ, để “thúc đẩy” hoạt động kinh doanh của họ trong điều kiện kinh tế khó khăn, và (vì thế) họ cần tuyển nhiều người làm phần mềm hơn nữa để giúp họ phát triển các ứng dụng ERP, SCM, và CRM. Điều thú vị cần nêu lên là hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, những nghề nghiệp mà xã hội có nhu cầu lớn được đề cập đến ở đây hầu như chưa hề tồn tại ở thời điểm 10 năm về trước. Vì thế, tôi luôn ủng hộ việc các sinh viên tiếp tục học thêm những kiến thức mới, nếu còn đi học thì cần đọc nhiều hơn nữa về các kỹ thuật mới; nếu đã đi làm rồi thì cũng nên trở lại trường học thêm ít nhất một đến hai lần trong một năm, giúp đảm bảo luôn cập nhật các kỹ năng của mình. Học suốt đời là cách duy nhất để đảm bảo các bạn sinh viên sẽ có được các khả năng, kiến thức, và kỹ năng mà thị trường lao động cần đến.

Theo dõi thị trường lao động, tôi thấy rằng có rất nhiều việc làm mới trong lĩnh vực Web 2.0 khi ngày càng có nhiều công ty tham gia kinh doanh trên mạng và nhiều công ty tìm cách liên lạc với khách hàng qua những kênh mới. Ngày nay, các công ty thường tuyển những người có kiến thức kỹ thuật rộng có thể áp dụng vào nhiều mảng công việc, nhưng đồng thời cũng cần có hiểu biết chiều sâu trong một mảng chuyên môn nhất định nào đó. Những yêu cầu như vậy đã khiến các đại học như Carnegie Mellon triển khai giảng dạy các môn học “đa lĩnh vực” trong các trường Kỹ thuật, Khoa học Máy tính và Quản trị Kinh doanh của họ. Dù cho bạn có chuyên về Quản trị, Tài chính, hay Thương mại thì học thêm các môn Công nghệ Thông tin hiểu từ một tầm nhìn rộng, là một cách tiếp cận đúng đắn; nó giúp sinh viên hiểu về việc kỹ thuật được áp dụng ra sao trong các doanh nghiệp để giúp liên tục hóa các hoạt động kinh doanh. Nếu phân tích khủng hoảng tài chính (hiện nay), bạn sẽ thấy là nhiều công ty toàn cầu lớn, đặc biệt là các công ty không phải trong ngành ngân hàng hay sản xuất xe hơi, vẫn tiếp tục phát triển. Họ hiểu rằng một khi cuộc khủng hoảng này kết thúc, sẽ xảy ra cạnh tranh lớn giữa họ với nhau để chiếm lĩnh thị trường thế giới, vì thế họ chuẩn bị cho “cuộc chiến” đó và đó là lý do vì sao tôi thấy được có rất nhiều nhu cầu tuyển dụng cho IT. Theo kinh nghiệm lịch sử, thì so với các ngành nghề khác, ngành phần mềm luôn ít chịu ảnh hưởng từ các suy thoái hay khủng hoảng kinh tế; trừ giai đoạn “nổ bong bóng dot-com” trong những năm 1999-2001 khi chi tiêu cho IT đã chậm lại nhưng vẫn không giảm đi.

Là một chuyên gia phần mềm, tôi khá lạc quan về tình hình chung của thị trường lao động IT. Tôi nghĩ rằng khủng hoảng tài chính sẽ khiến nhiều việc phải chậm lại hay bị trì hoãn, nhưng đó chỉ là tạm thời vì nhiều công ty vẫn chủ yếu dựa vào công nghệ để tiến hành các công việc kinh doanh của mình.



CMU DuyTan

0 nhận xét: